Cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế (HPG) đầu tiên trong năm 2018

15/05/2018 14:08 476 Lượt xem

Sáng ngày 15/5/2018 tại khách sạn Melia ở Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp Nhóm đối tác Y tế đầu tiên trong năm 2018 với chủ đề về “Cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Việt Nam”. Đây là cuộc họp mở màn cho một chuỗi các cuộc họp HPG trong năm 2018, tập trung vào chủ đề tăng cường CSSK ban đầu hướng đến bao phủ CSSK toàn dân.

Cuộc họp được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam; và TS. Keiko Inoue, Quản lý Chương trình về Phát triển con người, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam. Đến tham dự và đưa tin về cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên của một số Vụ, Cục, Văn phòng, đợn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; các Bộ, ban, ngành liên quan; các Đối tác phát triển trong nước và nước ngoài; các Đại sứ quán tại Việt Nam; và các cơ quan, thông tấn, báo đài Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã nêu rõ:  Tại Việt Nam, CSSKBĐ luôn là ưu tiên của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành y tế nói riêng. Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành vào tháng 10/2017,  đã xác định “YTDP giữ vai trò then chốt, đổi mới YTCS và CSSKBĐ là nền tảng, nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới”. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 2348/QĐ-BYT ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới có mục tiêu đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng của dịch vụ CSSKBĐ theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép bảo đảm công bằng, hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết thêm rằng: Một cơ chế tài chính hướng đến hệ thống tài chính bền vững, công bằng và hiệu quả, để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng và không phải chịu gánh nặng về tài chính là mục tiêu bao quát mà Việt Nam đang hướng đến. Việc xây dựng và đổi mới cơ chế tài chính cho CSSKBĐ hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân sẽ phảỉ tiếp tục xem xét tổng thể đến việc tăng cường huy động hợp lý các nguồn từ BHXH, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, ODA, hay nguồn vốn tư nhân cho CSSKBĐ; làm thế nào để phân bổ nguồn và quản lý nguồn hợp lý và hiệu quả, bao gồm các vấn đề kỹ thuật như: xây dựng và quản lý giá dịch vụ và giá thuốc, xây dựng phương thức chi trả phù hợp, xây dựng hệ thống quản lý sức khỏe người dân kết nối và thống nhất...

Tiếp theo bài phát biểu khai mạc của PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, thay mặt cho các Đối tác Phát triển nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới gửi đến cuộc họp bài phát biểu khai mạc của mình, trong đó khẳng định: Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là bảo đảm mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, và không phải chịu gánh nặng về tài chính. Bao phủ CSSK toàn dân bao gồm toàn bộ các dịch vụ y tế cần thiết từ phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.  Mọi người – cá nhân, các tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà lập chính sách và truyền thông đều tham gia vào công cuộc bao phủ CSSK toàn dân, gồm cả xây dựng, phát triển chính sách để đạt được UHC. Thực hiện bao phủ CSSK toàn dân là một trong các mục tiêu của chương trình Nghị sự phát triển bền vững 2030 (SDG 3.8), được thông qua tại Liên Hợp Quốc năm 2015. Cũng trong năm này, các quốc gia thành viên của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương thông qua Khung hành động về bao phủ CSSK toàn dân hướng đến sức khỏe tốt hơn cho mọi người.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã được lắng nghe các bài trình bày ngắn gọn và xúc tích của cả phía Việt Nam lẫn quốc tế về “Rào cản, thách thức trong công tác tăng cường y tế cơ sở hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” do PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế trình bày; “Kinh nghiệm quốc tế về cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân” do TS.Momoe Takeuchi, Trưởng nhóm Phát triển hệ thống y tế của WHO tại Việt Nam và “Đầu tư vào Chăm sóc sức khỏe ban đầu: hiệu suất và công bằng” do bà Đào Lan Hương, chuyên gia y tế của WB tại Việt Nam trình bày. Các bài trình bày cho thấy sự tổ chức cũng như kết hợp chặt chẽ khi phía đại diện của Việt Nam đề cập đến các thách thức mà quốc gia này đang gặp phải trong công tác CSSK ban đầu hướng đến bao phủ CSSK toàn dân thì đại diện của các tổ chức quốc tế đã ngay lập tức trình bày về các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.

Thay mặt cho Quốc hội, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội đã gửi đến cuộc họp bài tham luận trong đó ông cho biết trao đổi về cơ chế tài chính cho CSSK ban đầu là “rất xác đáng và cần thiết bởi hệ thống y tế cơ sở để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam đã được thiết lập từ lâu và được quốc tế đánh giá cao về sự bao phủ rộng khắc của mạng lưới, có đến 622 bệnh viện tuyến huyện, 651 phòng khám đa khoa khu vực và trên 11 nghìn trạm y tế xã. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở còn rất hạn chế, chưa đảm bảo là tuyến đầu tiên trong chăm sóc và quản lý sức khỏe; người dân chua tin tưởng đến khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng vượt tuyến và quá tải ở bệnh viện các tuyến trên”. Trước những vấn đề trên, ông đề nghị Bộ Y tế cần quán triệt quan điểm “y tế cơ sở là nền tảng” khi phát triển hệ thống y tế và “Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở” được nêu tại Nghị quyết 20 của Hội nghị 6 BCHTW. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần đảm bảo tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, công bằng, hiệu quả, đặc biệt là các dịch vụ CSSK ban đầu thông qua việc đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, tiến hành đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, sắp xếp hợp lý trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện.

Kết thúc bài tham luận, TS. Bùi Sỹ Lợi có trích dẫn lời của cựu Tổng Giám đốc WHO, có nhận định sâu sắc về vai trò của CSSK ban đầu “Dù cho đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y tế toàn cầu, tiếc thay, những bài học nhãn tiền về thất bại chung trong việc thực hiện các giá trị của CSSK ban đầu vẫn còn khiến chúng ta phải quan tâm thêm nhiều hơn bao giờ hết…”

Sau giải lao và chụp ảnh nhóm, các đại biểu cũng tập trung thảo luận nội dung: Các lựa chọn và bước đi tiếp theo đối với cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế cơ sở tại Việt Nam. Tại phần thảo luận chung, Hội nghị đã thu nhận được những ý kiến cũng như những đóng góp rất quý báu của lãnh đạo các Sở Y tế, các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế Liên minh Châu Âu, JICA, WHO, UNICEF, USAID…. Đây là những ý kiến quan trọng để góp phần xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả, công bằng và minh bạch cho y tế cơ sở và CSSKBĐ với vai trò là một cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính y tế của Việt Nam.