Cùng thảo luận, thống nhất về Hợp tác Y tế ASEAN sau năm 2015

24/12/2016 10:06 241 Lượt xem
Sáng ngày 14/9, tại TP Đà Lạt- Lâm Đồng, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế ASEAN (SOMHD) lần thứ 10 do Bộ Y tế Việt Nam đăng cai tổ chức. Hội nghị này và các hội nghị liên quan sẽ kéo dài đến ngày 17/9.

Tham dự lễ khai mạc có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế của các quốc gia thành viênASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, Đại diện Tổ chức y tế thế giới khu vực Đông Nam Á, đại diện UNFPA, UNAIDS, đại diện Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Lãnh đạo các Cục/Vụ/Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đại diện các Cơ quan, Ban ngành của tỉnh Lâm Đồng, Lãnh đạo Sở Y tế các Tỉnh, thành trong cả nước…

Hợp tác y tế trong cộng đồng ASEAN ngày càng sâu rộng

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ những nước nghèo nàn, lạc hậu, thu nhập thấp, các nước thành viên ASEAN đã có những thành tựu phát triển kinh tế quan trọng và ASEAN đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, được xem là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới. ASEAN ngày nay đã chuẩn bị bước vào giai đoạn hình thành Cộng đồng ASEAN, với mức độ liên kết và hợp tác ngày càng cao trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế. Hợp tác y tế ngày càng chặt chẽ, sâu rộng trong khu vực đã đóng góp hiệu quả cho việc bảo đảm an ninh và phát triển ở khu vực, tạo thế cho quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, tạo điều kiện để các nước thành viên mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai mạc hội nghị SOMHD 10 

Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai mạc hội nghị SOMHD lần thứ 10

 

Trước đó vào năm 2014, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 được tổ chức tại Hà Nội có chủ đề “Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015”. Chủ đề này rất thiết thực trong thời điểm Cộng đồng đang ở năm cuối của tiến trình thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, một trong những bước ngoặt phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hiệp hội.

Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Y tế đã thông qua Tuyên bố chung thể hiện cam kết tăng cường hệ thống y tế hướng tới bao phủ y tế toàn dân, thúc đẩy việc tiếp cận dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ liên quan đến các bệnh không lây nhiễm; đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời các loại thuốc thiết yếu và công nghệ y tế phù hợp ở tất cả các cơ sở y tế của mỗi Quốc gia Thành viên; xây dựng hệ thống tài chính y tế hiệu quả, với giá hợp lý để các người bệnh đều có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế mà không vướng phải các khó khăn tài chính; hài hòa hóa các quy định an toàn thực phẩm quốc gia với tiêu chuẩn được quốc tế; tăng cường hợp tác hơn nữa trong công tác phòng chống, kiểm soát các bệnh lây nhiễm và ứng phó với đại dịch; huy động và đa dạng hóa các nguồn lực ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để duy trì thành tựu kiểm soát tỷ lệ mắc và lây nhiễm HIV/AIDS.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc hội nghị SOMHD 10 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc hội nghị SOMHD lần thứ 10

 

Các Bộ trưởng Y tế ASEAN cũng đã thông qua Tầm nhìn và Nhiệm vụ của Chương trình Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015, hướng tới “Một Cộng đồng ASEAN khỏe mạnh, được chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững”.

Hướng tới mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm

Với vai trò là Chủ tịch đương nhiệm của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong một năm qua đã việc gấp rút hoàn thành Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN và Khung Chiến lược của ASEAN về Phát triển Y tế giai đoạn 2010-2015 và đặc biệt là đã thảo luận và đưa ra các ưu tiên y tế để cùng hợp tác, tăng cường sức khỏe cho người dân ASEAN giai đoạn 2015-2020.

Các đại biểu tham dự hội nghị SOMHD lần thứ 10 

Các đại biểu tham dự hội nghị SOMHD lần thứ 10

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế của ASEAN tại Hội nghị lần thứ 10 này là cùng thảo luận, thống nhất về cơ chế hoạt động của Hợp tác Y tế ASEAN, của các Nhóm Công tác chuyên môn trong giai đoạn 2015-2020 để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 13 thông qua.

“Hội nghị này sẽ thu hút được sự quan tâm và đóng góp của tất cả các quý vị đại biểu để có thể đưa ra được những đề xuất về cơ chế hợp tác mới hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân các quốc gia, đồng thời góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm với xã hội, xây dựng tình đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị SOMHD 10 đã tiến hành phiên họp toàn thể để cập nhật và rà soát những nội dung chính tại các Hội nghị lớn trong thời gian vừa qua, đồng thời thảo luận về các Chương trình Phát triển Y tế sau năm 2015 của ASEAN với 18 lĩnh vực y tế ưu tiên được chia làm 4 nhóm chính, cụ thể:

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các Trưởng đoàn ASEAN dự hội nghị SOMHD lần thứ 10 chụp ảnh lưu niệm 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các Trưởng đoàn ASEAN dự hội nghị SOMHD lần thứ 10 chụp ảnh lưu niệm

 

Nhóm 1: Tăng cường lối sống lành mạnh với Mục tiêu đến năm 2020: Cộng đồng ASEAN có được sức khỏe tốt nhất thông qua tăng cường lối sống lành mạnh và Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả người dân ở mọi lứa tuổi. Các ưu tiên y tế gồm: Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD); Giảm sự tiêu thụ thuốc lá và rượu bia; Phòng chống tai nạn thương tích; Phòng chống bệnh nghề nghiệp; Cải thiện sức khỏe tâm thần; Tăng cường sức khỏe và sự năng động cho người già và Tăng cường dinh dưỡng tốt, ăn kiêng lành mạnh.

Nhóm 2: Ứng phó với mọi nguy cơ và mối đe dọa bệnh dịch. Mục tiêu đến năm 2020: Tăng cường hệ thống y tế bền vững để ứng phó với cácbệnh truyền nhiễm và truyền nhiễm mới nổi, các bệnh bị lãng quên và các bệnh nhiệt đới; Ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe môi trường, thảm họa và đảm bảo chuẩn bị ứng phó hiệu quả về quản lý y tế trong thảm họa ở khu vực. Các ưu tiên y tế gồm: Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh bị lãng quên; Tăng cường năng lực phòng thí nghiệm; Giải quyết vấn đề kháng thuốc; Sức khỏe môi trường và đánh giá tác động sức khỏe; Quản lý Y tế trong thảm họa.

Nhóm 3: Tăng cường hệ thống y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu đến năm 2020: Cộng đồng ASEAN sẽ được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, an toàn với chất lượng thuốc tốt bao gồm thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm thay thế; Đạt được và duy trì bền vững các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế. Các ưu tiên y tế gồm: Y học cổ truyền; Các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế (MDG 4,5,6); Chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), Sức khỏe dân di cư; Phát triển dược phẩm; Tài chính trong chăm sóc sức khỏe; Phát triển nguồn nhân lực.

Nhóm 4: Đảm bảo An toàn thực phẩm. Mục tiêu đến năm 2020: Tăng cường tiếp cận với thực phẩm an toàn, nước uống an toàn và vệ sinh. Các ưu tiên y tế gồm: An toàn thực phẩm; Nước và vệ sinh nguồn nước.

Thông tin tại lễ khai mạc hội nghị SOMHD 10, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và được cộng đồng quốc tế đánh giá là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi) và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ). Với thế mạnh trong lĩnh vực y học cổ truyền, Việt Nam đã lồng ghép y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, ưu tiên công tác phòng bệnh. “Việt Nam cũng đang từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng Công bằng - Hiệu quả và phát triển, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách toàn diện, có chất lượng, bảo đảm hội nhập với quốc tế và các nước trong khu vực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân”- Bộ trưởng cho biết.