Bộ trưởng Bộ Y tế dự APEC 2016: Việt Nam được đánh giá là quốc gia đầu tư y tế đạt hiệu quả cao

24/12/2016 09:43 94 Lượt xem
Theo Sức khỏe Đời sống - Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn tham dự cuộc họp Cấp Cao về Y tế của các nền Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại thành phố Lima, Peru từ ngày 21-22/8/2016.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã tham dự Cuộc họp Cấp cao lần thứ 6 về Y tế của các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Lima, Peru. Chủ đề của APEC năm 2016 là TĂNG TRƯỞNG CHẤT LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI (QUALITY GROWTH AND HUMAN DEVELOPMENT).

Cuộc họp Cấp cao lần thứ 6 về Y tế của các nền kinh tế APEC được xem là một trong những Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành thường niên quan trọng của diễn đàn APEC, được tổ chức luân phiên tại các nền kinh tế thành viên nhằm thảo luận những vấn đề quan trọng, ưu tiên liên quan đến sức khỏe và sự phát triển kinh tế trong khu vực; thúc đẩy việc giải quyết các thách thức về y tế trong khu vực; xác định các kế hoạch hành động ưu tiên và khuyến nghị chính sách liên quan đến y tế để trình lên các nhà Lãnh đạo APEC thông qua.

Cuộc họp Cấp cao lần thứ 6 về Y tế của các nền kinh tế APEC năm 2016 tại Peru có sự tham gia của khoảng 250 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên, bao gồm các Bộ trưởng, Thứ trưởng Y tế; các quan chức cao cấp về y tế, các Tổ chức Quốc tế (WHO, UNAIDS, OECD...), các chuyên gia, học giả, các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế trong khu vực.

Chủ đề xuyên suốt của Cuộc họp Cấp cao về Y tế của các nền kinh tế APEC năm 2016 là Thực hiện Một Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020 (HAP2020) nhằm hỗ trợ Chương trình mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (SDG 2030), trong đó tập trung vào 6 nội dung chính bao gồm: 1) Thách thức trong việc thực hiện Một Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030; 2) Đầu tư xây dựng hệ thống tài chính y tế bền vững và hiệu quả; 3). Thúc đẩy các sáng kiến nhằm xây dựng hệ thống tài chính y tế; 4). Tăng cường hoạch định chính sách về tài chính y tế dựa vào bằng chứng; 5). Thúc đẩy hợp tác Công - Tư nhằm đạt được HAP 2020 và Mục tiêu Phát triển bền vững về y tế; 6).Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm hỗ trợ Chương trình HAP 2020 và Các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế.

Đoàn đại biểu cấp cao của  Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn tham dự Cuộc họp Cấp Cao về Y tế của các nền Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu tại phiên toàn thể số 1 với chủ đề Thách thức trong việc thực hiện Một Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng đã chia sẻ những kinh nghiệm, thành tựu, thách thức và định hướng những năm tiếp theo của ngành Y tế Việt Nam. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tư cho y tế gắn liền với quá trình phát triển kinh tế bền vững.

Việt Nam được đánh giá là nước có thu nhập trên đầu người chưa cao, nhưng đầu tư về y tế có hiệu quả cao. Tại Việt Nam, đầu tư cho y tế tăng lên hàng năm, đạt 6% GDP vào năm 2014. Chi tiêu từ ngân sách nhà nước dành cho y tế trong những năm gần đây cao hơn tăng trưởng GDP hàng năm. Trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế dánh giá cao. Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào danh sách là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới đạt được các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ MDG4, MDG5 về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trước thời hạn.

Việt Nam cũng là một trong 9 nước đạt chỉ tiêu MDG về 3 chỉ số giảm bệnh lao và là 1 trong 3 nước đi đầu trong thực hiện nghiên cứu thanh toán bệnh lao của WHO. Đến nay, bảo hiểm y tế đã bao phủ được 78% dân số, trong đó nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số và một số đối tượng khó khăn khác. Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu bao phủ bảo hiểm y tế cho 90% dân số vào năm 2020. Chi phí khám chữa bệnh trực tiếp từ túi người dân giảm từ 54% xuống còn 42%. Mặc dù hiện nay kinh phí đầu tư của Chính phủ cho y tế còn nhiều khó khăn nhưng với việc đổi mới cơ chế tài chính y tế và sự quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân chắc chắn sẽ là một đòn bẩy lớn cho y tế Việt Nam phát triển theo định hướng hiệu quả, bền vững và phát triển.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức của ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới như: nguồn lực đầu tư cho y tế còn thấp trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, vấn đề già hóa dân số, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, các bệnh không lây nhiễm … Từ đó, Bộ trưởng kêu gọi sự thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế, phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, tăng cường hợp tác công- tư, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính dành cho y tế  nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính y tế…hướng tới mục tiêu Một Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020 nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào 2030.

Đặc biệt, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai APEC vào năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu thông báo chính thức về việc Việt Nam sẽ đăng cai Cuộc họp Cấp cao lần thứ 7 về Y tế của các nền kinh tế APEC và các sự kiện liên quan đến y tế trong năm 2017. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên để tổ chức thành công Diễn đàn APEC 2017. Thước phim ngắn giới thiệu về đất nước, con người và nền kinh tế Việt Nam vào cuối phiên họp với những hình ảnh đẹp về một Việt Nam năng động, hội nhập và đậm đà bản sắc dân tộc đã để lại ấn tượng cho các đại biểu tham dự.