Các tỉnh miền núi phía Bắc chung tay với ngành y tế thực hiện MDGs

24/12/2016 09:57 0 View
Sáng 3/11, tại Yên Bái, Bộ Y tế phối hợp với Nhóm đối tác Y tế và tỉnh Yên Bái đã tổ chức Cuộc họp Nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh. Tham dự cuộc họp có UBND tỉnh Yên Bái, đại diện hơn 20 Sở y tế các tỉnh miền núi phía Bắc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, đại diện các đối tác phát triển.

Đây là cuộc họp trong khuôn khổ hoạt động thường niên của Nhóm đối tác y tế (HPG) cũng như tăng cường kết nối và thảo luận giữa tuyến trung ương và địa phương về xây dựng và triển khai chính sách y tế; nâng cao hiệu quả viện trợ tuyến tỉnh qua trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm vận động, sử dụng và điều phối viện trợ.

Các tỉnh miền núi phía Bắc chung tay với ngành y tế thực hiện MDGs

Cuộc họp Nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh lần thứ 2.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực y tế, được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới thực hiện thành công nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế như giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, tăng cường sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, một số chỉ tiêu trong phòng chống HIV/AIDSsốt rét và các dịch bệnh khác. Những thành công bước của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

TS Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay một số các mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam hướng tới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như một số chỉ tiêu đã giảm ở mức thấp, giảm chậm hoặc có xu hướng chững lại, có sự khác biệt rõ nét trong tiếp cận y tế giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam đã giảm từ 41% (năm 1990) xuống 14,5% (năm 2014) nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng tương đối khác biệt giữa các vùng, như Tây Nguyên là 22%, miền núi phía Bắc là 19,5%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng tính theo cân nặng/ tuổi, chiều cao/tuổi đang tương đối cao, cao nhất vẫn tập trung ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ này kéo theo giảm hiệu quả thực hiện những mục tiêu tiếp theo. Ví dụ như năm 2011, có 68% gia đình nông thôn được tiếp cận với điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện, so với 94% gia đình ở thành thị. Hơn 20 triệu người dân nông thôn không có nhà vệ sinh, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đa phần người dân không có nhà vệ sinh. Chính điều này khiến cho tỷ lệ trẻ em còi cọc cao, ở các tỉnh miền núi phía Bắc có tới 1/3 trẻ em bị còi (suy dinh dưỡng).

Các tỉnh miền núi phía Bắc chung tay với ngành y tế thực hiện MDGs

Bà Trần Thị Giáng Hương- Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế phát biểu tại hội nghị

Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng Đại diện Quỹ dân số LHQ (UNFPA) cho rằng, đây là năm các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ kết thúc và chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững, mức độ đạt được các mục tiêu vẫn chênh lệch ở các vùng miền, địa phương. Diễn đàn này là dịp các địa phương chia sẻ khó khăn thách thức, từ đó hướng tới những nhiệm vụ cụ thể, xây dựng chính sách nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

Tại hội nghị các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, thách thức ngành y tế đang gặp phải như tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi chậm lại, tiếp cận phòng chống lao, HIV, gặp nhiều khó khăn trong huy động các nguồn lực đầu tư, sự khác biệt giữa các vùng miền, nhóm dân cư, các nguồn viện trợ đang bị cắt giảm nhanh, năng lực y tế địa phương còn thấp .... Các đại biểu đã đưa ra những đề xuất để gỡ bỏ các vướng mắc mà địa phương đang gặp phải, đồng thời kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để hướng tới thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra. Nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền còn tồn tại trong lĩnh vực y tế, các địa phương cho rằng các giải pháp phải gắn với tình hình thực tế của địa phương từ điều kiện kinh tế xã hội đến phong tục tập quán..., từ đó nhóm đối tác y tế có thể tăng cường hỗ trợ, hợp tác để giải quyết các MDGs chưa hoàn thành thông qua các nỗ lực, can thiệp bền vững.

Hải Yến