Cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế tuyến tỉnh ngày 19/10/2017 tại Tp Hồ Chí Minh

23/10/2017 18:13 129 Lượt xem

Ngày 19/10/2017, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế tuyến tỉnh năm 2017 đã diễn ra tại Khách sạn Novotel, Tp Hồ Chí Minh. Đây là cuộc họp Nhóm Đối tác y tế Tuyến tỉnh lần thứ 4 tiếp theo các cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế tuyến tỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại Nghệ An (năm 2014), Yên Bái (năm 2015) và Lào Cai (năm 2016). Các cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế tuyến tỉnh nhằm tăng cường sự kết nôi giữa trung ương, địa phương và với các ĐTPT; thúc đẩy sự tham gia của các tỉnh/Thành phố trong các diễn đang chính sách cấp cao, đồng thời, chia sẻ các vấn đề về y tế  tại địa phương và các tỉnh trong vùng.

Chủ trì cuộc họp là PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế; TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế; BSCKII. Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp Hồ Chí Minh, đồng chủ trì cuộc họp.

Cuộc họp lần này đã có sự tham gia của 90 đại biểu đến từ Bộ Y tế, các Đối tác phát triển, các Sở ban ngành của Tp Hồ Chí Minh và đặc biệt là sự góp mặt và của 17 Sở Y tế tỉnh thành phố từ Miền núi phía Bắc như Điện Biên, Cao Bằng tới Mũi Cà Mau. Đại diện của Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Nam Phương, Phó Cục trưởng kiêm Phó Chánh Văn phòng, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Cuộc họp Nhóm ĐTYT tuyến tỉnh năm nay với chủ đề “Tác động của biến đổi khí hậu tới sức khoẻ tại Việt Nam và các giải pháp ứng phó” diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các tỉnh thành phố trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là những nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tp Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cũng là lớn nhất cả nước đang phải chịu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra trong đó có vấn đề sức khỏe như sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường.

Phát biểu khai mạc Cuộc họp, PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương cho biết biến đổi khí hậu đã gây nên những thảm họa thiên tai, đe dọa cuộc sống và tính mạng của con người, là nguyên nhân gây nên các biến động về di dân và là là nguy cơ gây suy thoái môi trường, suy giảm Đa dạng sinh học và hệ sinh thái, sẽ là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh mới cho con người, BĐKH làm suy thoái tài nguyên nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế chính vì vậy Biến đổi khí hậu cũng là một trong những nội dung ưu tiên của Các Mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Cụ thể là tại Mục tiêu số 13 “Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó” người , bên cạnh đó còn được lồng ghép trong nhiều mục tiêu khác.

Vấn đề BĐKH đang là một trong những quan tâm hàng đầu của Chính phủ và các địa phương bởi những tác động và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và sự phát triển của quốc gia, cùng với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ ngày 26/9 vừa qua đã chỉ ra, những tác động, thách thức và cơ hội của BDKH với các tỉnh ĐBSCL, cùng các định hướng chiến lược và giải pháp phát triển cho vùng.   

Các diễn giả từ Chương trình phát triển Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới đã chia sẻ những nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam với các bằng chứng khoa học cho thấy biến đổi khí hậu gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người. Mực nước biển dâng và nhiệt độ trái đất tăng cùng các yếu tố khắc nghiệt về thời tiết như hạn hán, lũ lụt, thiên tai thảm họa, ô nhiễm không khí, sóng nhiệt có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sức khoẻ đang trở thành thách thức của mỗi quốc gia, đặc biệt ở các nước bị ảnh hưởng trầm trọng do biến đổi khí hậu và có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.

Bài trình bày của Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết Việt Nam là một trong những nước dễ tổn thương nhất đối với tác động của biến đổi khí hậu.Trong 10 năm qua, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật gia tăng, trong đó có nguyên nhân của biến đổi khí hậu gây ra như: tiêu chảy, bệnh tả, suy dinh dưỡng trẻ em, sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh tim mạch. Biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã tạo ra nguy cơ gia tăng các dịch, bệnh theo mùa như cúm A, sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng … và dự báo sẽ có thêm nhiều bệnh mới trong những năm tới. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm cũng đang đặt ra thách thức trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế như gia tăng các trường hợp nhập viện do bệnh tim mạch, hô hấp, suy dinh dưỡng trẻ em. Tình trạng suy dinh dưỡng có liên quan đến khả năng mắc bệnh tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ em do mất mùa, đói kém. Năm 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 24,6%, vẫn còn ở mức cao so với thế giới và khu vực.

Thực tế năm 2015-2016 tại Tây Nguyên,  Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài dẫn đến thiếu nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt, ảnh hưởng cung cấp các dịch vụ y tế, chỉ số suy dinh dưỡng cấp tính gia tăng, nhiều bệnh dịch phát sinh do ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 10 này, tình hình mưa lớn, lũ lụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Để tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế trong giai đoạn tiếp theo, hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành y tế giai đoạn năm 2017-2022, tầm nhìn đến năm 2030, thông qua cuộc họp này, Bộ Y tế mong muốn hợp tác với các quốc gia, các tổ chức trong khu vực và trên thế giới về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ sức khỏe.

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai Kế hoạch ứng phó với BĐKH của ngành y tế giai đoạn 2010-2015, trong đó đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, đề ra các giải pháp phù hợp theo từng giai đoạn cho toàn ngành y tế, bước đầu đã nghiên cứu và cung cấp các bằng chứng về tác động của BĐKH tới sức khỏe tại Việt Nam từ đó xác định các vấn đề sức khỏe ưu tiên để can thiệp; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong việc lập kế hoạch ứng phó với BĐKH.

Kết luận cuộc họp. PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương , Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ Y tế đã khả khẳng định tầm quan trọng của vấn đề tác động Biến đổi khí hậu lên sức khỏe người dân với những bằng chứng thuyết phục. Cuộc họp đã thống nhất các vấn đề ưu tiên giải quyết, định hướng các giải pháp chiến lược của khu vực, địa phương đối với công tác phòng chống Biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác hại lên ngành y tế. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và các Đối tác phát triển sẽ cùng xây dựng đề xuất các lĩnh vực cần sự tham gia hỗ trợ của các Đối tác phát triển và các bên liên quan để tiếp tục triển khai các hoạt động về Biến đổi khí hậu và tác động lên sức khỏe. Cuộc họp đã đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm xây dựng và thực hiện một cách hiệu quả Kế hoạch ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong ngành y tế giai đoạn năm 2017-2022, tầm nhìn năm 2030.

Nhân dịp này, PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương thay mặt cho Bộ Y tễ đã trân trọng cảm ơn Tổ chức Y tế Thế giới đã luôn đồng hành cùng Bộ Y tế và Nhóm Đối tác Y tế trong suốt thời gian vừa qua. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cũng gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới TS. Kidong Park- người vừa được giao trọng trách là Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và hy vọng ông sẽ thúc đẩy có hiệu quả hơn nữa sự hợp tác giữa Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam.